Lễ ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn
(TTĐT) - Chiều 6/9, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC)
Thực tiễn kinh nghiệm công nghiệp hóa các nước cho thấy không có quốc gia nào công nghiệp hóa thành công mà không phát triển được ngành công nghiệp điện tử mạnh và không có quốc gia nào phát triển được ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mà không sở hữu ngành công nghiệp điện tử mạnh. Hai ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phát triển ngành công nghiệp điện tử phải song hành và đi trước một bước để nắm bắt thị trường.
Mục đích và trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh; việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Để đi nhanh, bắt kịp các nước trong các ngành này, Việt Nam cần có cách tiếp cận đột phá, đi thẳng vào khâu thiết kế, bao gồm thiết kế sản phẩm và thiết kế vi mạch. Để thực hiện cách tiếp cận này, nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò then chốt, quyết định và Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước, đồng thời có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở các nước phát triển, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon nhằm nhanh chóng tiếp thu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước.
Để đào tạo nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design), ngày 26 tháng 8 năm 2022, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã ký kết hợp tác với Công ty Synopsys thành lập mô hình Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Center (SCDC)), theo đó Synopsys tài trợ 30 li-xăng phầm mềm Synopsys trong 3 năm (trị giá hàng chục triệu USD) để phục vụ đào tạo thiết kế vi mạch. SCDC có mục tiêu cung cấp các dịch vụ:
- Cung cấp li-xăng các phần mềm thiết kế của Synopsys đến các trường, viện thông qua mạng riêng ảo (VPN).
- Tổ chức các khóa đào tạo (ToT) về thiết kế vi mạch cho giảng viên.
- Tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch.
- Cung cấp dịch vụ MPW (Multi Project Wafer) để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp tape-out các thiết kế; cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thử nghiệm vi mạch; triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Tháng 10/2022, SCDC đã đi vào hoạt động (đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa do Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Electronics tài trợ) và đã cung cấp các dịch vụ ban đầu như:
- Cung cấp li-xăng các phần mềm thiết kế của Synopsys đến qua mạng riêng ảo (VPN) cho các trường trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phối hợp cùng Synopsys Tổ chức các khóa đào tạo (ToT) về thiết kế vi mạch cho hơn 20 giảng viên đến từ gần 10 trường đại học khác nhau (kéo dài 6 tuần, học toàn thời gian), bế giảng vào ngày 10/02/2023.
- Tổ chức thí điểm khóa đào tạo tăng cường (Intensive Training) cho 30 sinh viên trong thời gian 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2023.
Tiếp theo việc hình thành Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC), để thúc đẩy đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện tử, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao hình thành Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (International Electronics Training Center (IETC)) và đưa Trung tâm này vào hoạt động chính thức từ ngày 25 tháng 3 năm 2023 trên cơ sở hợp tác giữa Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Electronics, cung cấp:
- Các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn IPC (International Process Control), tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi bởi các tập đoàn công nghệ thế giới.
- Các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Các chương trình đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế (Product Design).
Các chương trình đào tạo này do các chuyên gia người Việt Nam ở Thung lũng Silicon thiết kế và trực tiếp giảng dạy trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn đầu, IETC tập trung thí điểm hướng đến đào tạo cho khách hàng doanh nghiệp làm về dịch vụ sản xuất điện tử nhằm: (1) Giúp doanh nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (2) Cải tiến quy trình công nghệ, và (3) Tiếp cận khách hàng quốc tế. Kết quả thí điểm bước đầu với các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao cho kết quả rất tích cực, giúp doanh nghiệp nhận được các đơn hàng của các khách hàng quốc tế.
Như vậy, Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) là hai công cụ rất quan trọng, hợp thành một hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu Công nghệ cao, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch. Có thể nhận định, với việc các nhà đầu tư đánh giá vị trí gần các nhà đầu tư chiến lược (ví dụ như Intel) và khả năng tiếp cận nguồn nhân lực trình độ cao là các yếu tố quan trọng để quyết định đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì việc thành lập các mô hình SCDC và IETC là bước chuẩn bị hết sức quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược là công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn trong năm 2023 và những năm tiếp theo, củng cố cho mục tiêu định vị: Việt Nam là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.
Trên cơ sở kết quả thí điểm tích cực ban đầu đối với hai trung tâm SCDC và IETC, Ban Quản lý và Công ty Synopsys trong thời gian qua đã quyết định mở rộng hợp tác, bổ sung chương trình ươm tạo vi mạch nhằm hướng đến hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong nước. Đây là mô hình hợp tác đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á. Cùng với việc mở rộng hợp tác này, với mục tiêu hình thành một đơn vị đào tạo có quy mô đủ lớn để có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã quyết định hợp nhất hai mô hình SCDC và IETC thành một trung tâm có quy mô lớn hơn là Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (tên Tiếng Anh: Electronics and Semiconductor Center (ESC)). Việc hợp nhất này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan là các ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau và yêu cầu phải có một chiến lược phát triển đồng bộ.
Một số hình ảnh từ sự kiện:
Đồng chí Trần Hồng Hà và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn - ESC
Lễ ký kết hợp tác giữa Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội
Hình chụp lưu niệm từ sự kiện
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đăng ký tham dự Hội thảo An toàn lao động năm 2024
- Đăng ký dự thi CUỘC THI THIẾT KẾ VI MẠCH CHO ĐÔ THỊ THÔNG MINH LẦN 2, NĂM 2024
- Chương trình ĐẦU TƯ TƯƠNG LAI - ƯU ĐÃI HỌC PHÍ nhân dịp Chào mừng 22 năm thành lập Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
- Đăng ký tham gia Chuyên đề KỸ NĂNG XÂY DỰNG HỒ SƠ CÁ NHÂN BẰNG TIẾNG ANH
- Chiêu sinh khóa đào tạo KỸ THUẬT BẢO TRÌ, BẢO DƯỠNG HỆ THỐNG ROBOT
- Chiêu sinh khóa học LẬP TRÌNH ĐIỀU KHIỂN TỰ ĐỘNG HÓA VỚI PLC MITSUBISHI
- Chương trình Trải nghiệm công nghệ - Nhà khoa học tương lai
- Chiêu sinh khóa đào tạo LẬP TRÌNH ĐIỀU KHIỂN HỆ THỐNG TỰ ĐỘNG HÓA VỚI ROBOT tháng 7
- Synopsys Intensive Training Program 2024 chào đón 30 tân binh xuất sắc nhất giữa hàng trăm lượt ứng tuyển
- Thông báo cập nhật thời gian tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng tháng hành động về an toàn lao động năm 2024
- Tuyển sinh Lớp THIẾT KẾ VI MẠCH PHYSICAL DESIGN tháng 6 năm 2024
- Lễ công bố Quyết định tách Chi đoàn Trung tâm Đào tạo – Vườn Ươm Doanh nghiệp